Trước hết, xin được nói rõ, tác giả bài viết
này, Nguyễn Ngọc Chính, và Nguyễn Ngọc Loan chỉ là sự trùng hợp họ và đệm chứ
hoàn toàn không có mối liên hệ nào. Tôi chỉ là anh trung úy giảng viên Anh ngữ
quèn dưới thời VNCH trong khi Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan (1930 – 1998) là
Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh Quân đội, phụ trách
Đặc ủy Trung ương Tình báo.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan là người đã cầm súng
bắn thẳng vào đầu một đặc công Việt Cộng, có người xác nhận đó là đại úy Bảy
Lốp (Nguyễn Văn Lém), có người lại nói đó là Bảy Nà (Lê Công Nà).
Bức ảnh Saigon Execution:
Tướng Loan hành quyết đặc công Bảy Lốp hay Bảy
Nà.
Ảnh do ký giả Eddie Adams (AP) chụp vào dịp
Tết Mậu Thân 1968.
Theo thông tin từ một cuốn phim tài liệu của
Việt Nam mang tên “Từ một tấm ảnh” (1), khi bài báo của phóng
viên hãng Novosty đặt câu hỏi về tình hình gia đình Bảy Lốp, đại tá Nguyễn
Phương Nam, nguyên cán bộ Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, người có nhiều
quan hệ với đặc công, cho biết:“Ngày mồng nột Tết Mậu Thân có một mũi tấn
công của quân Giải phóng miền Nam vào Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và
người chỉ huy là Bảy Lốp, chỉ huy phó là Hai Ly, theo đó Bảy Lốp bị bắt và bị
đưa đến Bộ Tư lệnh cảnh sát dã chiến Việt Nam Cộng Hoà, nhưng không rõ Bảy Lốp
bị đưa đi đâu".
Kết hợp với tin của phóng viên người Nhật lúc
đó thì có một đặc công VC bị cảnh sát dã chiến VNCH đưa đến đường 20 cũ (tức
đường Lý Thái Tổ hiện nay) và bị bắn. Ông Nguyễn Phương Nam phóng to
bức ảnh và cho rằng gần chỗ bị bắn có một tiệm giày cách khoảng 100m. Từ đó,
ông đi tìm tung tích gia đình Bảy Lốp. Vào năm 1985, đoàn của đảng Cộng sản
Nhật Bản đã sang thăm và tìm hiểu vấn đề. Nhờ bức ảnh của đoàn Nhật, vợ Nguyễn
Văn Lém khẳng định đó là chồng mình và bà cho rằng “chồng (bà) đã bị
Nguyễn Ngọc Loan bắn năm 1968”.
Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp) là một đại úy đặc
công VC tham gia tấn công Sài Gòn vào Tết Mậu Thân 1968 hay còn gọi là Tổng
tiến công Mậu Thân. Theo nhiều người và nhiều nguồn tin, Bảy Lốp chính là
người bị bắt và bị bắn chết bởi Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan gần khu vực Chùa
Ấn Quang, Chợ Lớn, góc đường Sư Vạn Hạnh và Ngô Gia Tự trong bức ảnh nổi
tiếng Saigon Execution của Eddie Adams.
Theo phim tài liệu “Từ một tấm ảnh”,
việc khẳng định người bị bắn là Nguyễn Văn Lém được hỗ trợ bởi các xác nhận từ
đồng đội: Đại tá Nam Hà, Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nam Hà xác nhận
người trong ảnh ‘giống’ Nguyễn Văn Lém. Xác nhận từ vợ là bà Nguyễn Thị Lốp:
người trong ảnh bị bắn có áo carô bị đứt nút mới khâu, hai lỗ tai và trán
‘giống’ Nguyễn Văn Lém, nhưng mặt bị bầm giập nhìn không ra và không chắc là
giống Nguyễn Văn Lém.
Phim “Từ một tấm ảnh” cũng
đưa ra một điểm lý thú phía sau bức ảnh Saigon Execution: Bảy Lốp
có 3 người con (hai gái một trai), người con gái thứ hai có tên Nguyễn Ngọc
Loan, trùng với tên người đã xử bắn bố! Cô Nguyễn Ngọc Loan đã có gia đình, vào
thời điểm năm 1998 sống ở quận Tân Bình, làm nghề bán tạp hóa và đã được phỏng
vấn trong phim tài liệu này.
Cũng xin nói thêm, sau năm 1975, có tới 8
người đàn bà đứng ra nhận mình là vợ của Nguyễn Văn Lém. Tuy nhiên, cho đến
nay, hài cốt của viên đặc công này vẫn chưa được tìm thấy dù anh đã được phong
tặng danh hiệu Liệt Sĩ.
Nhiều người và nhiều nguồn tin lại cho rằng
chính Lê Công Nà, chính trị viên quận đội kiêm phó chỉ huy quận 5, thành phố
Sài Gòn - Gia Định, tức Bảy Nà, mới là người trong bức hình Saigon
Execution.
Giả thuyết về Lê Công Nà được đưa ra từ năm
1998, theo bộ phim nói trên thì chưa thể khẳng định chính xác người bị bắn tên
gì: “Chuyện xảy ra vào năm Mậu Thân - 1968, một chiến sĩ Cách mạng bị
đem ra xử tử ngay trên đường phố Sài Gòn. Lúc đầu, người ta cho rằng người
chiến sĩ bị ấy là đồng chí Bảy Lốp nhưng sau này, có nguồn tin cho rằng người
chiến sĩ ấy không phải là Bảy Lốp mà là Bảy Nà”.
Qua xác nhận từ người thân, ông Lê Công Tứ,
anh ruột của Lê Công Nà, đã khẳng định người trong ảnh chính là em của mình Lê
Công Nà (Nè). Qua hình ảnh phỏng vấn trong phim, người xem có thể nhận ra hai
anh em rất giống nhau.
Bà Phạm Thị Sứ, tức Năm Bắc, nguyên bí thư
quận ủy quận 5, xác nhận rằng sáng mồng 2 Tết, tại Vườn Lài, nơi tiểu đoàn 6
đóng quân hôm mồng Hai Tết, bà đã thấy Lê Công Nà còn mặc áo carô, hai bên có
cười chào hỏi nhưng không kịp nói chuyện.
Bà Trương Thị Tý, 85 tuổi, nguyên là cơ sở
nuôi dưỡng Bảy Nà (Nè) hoạt động nội thành, nhận ra người trong bức ảnh chính
là Bảy Nà. Bà còn khẳng định trường hợp Trần Quốc Thảo cách 50 năm bà còn nhận
ra, trường hợp Bảy Nà chỉ mới hai mươi mấy năm nên theo bà không khó để nhận
dạng.
Bảy Lốp hay Bảy Nà khi bị bắt
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều giả thuyết về
thời gian và địa điểm xảy ra sự kiện. Về thời gian, có hai nguồn thông tin khác
nhau: Theo BBC và một số tờ báo khác, bức ảnh được chụp ngày 1/2/1968, tức mồng
Một Tết Mậu Thân. Nhưng theo Lê Ngọc Cung, cựu phóng viên AP đi cùng tướng
Loan, đó là ngày 5/2/1968, tức mồng 5 Tết Mậu Thân. Ông Cung giải thích trong
phim đã dẫn: “…khi đó chiến sự đã bớt phần nguy hiểm nên phóng viên mới
được đi theo”.
Về địa điểm, có ba thông tin khác nhau: (1)
BBC và nhiều nguồn tin khác cho là bức ảnh được chụp tại vùng Chợ Lớn; (2) Theo
phóng viên Lê Ngọc Cung, địa điểm là tại ngã tư Ngô Gia Tự và Sư Vạn Hạnh; (3)
một số thông tin khác lại xác định địa điểm hành quyết là đường Lý Thái Tổ, gần
Ngã Bảy.
Bức ảnh ‘Hành quyết tại Sài Gòn’ (Saigon
Execution) của phóng viên ảnh Eddie Adams đã xuất hiện trên trang nhất báo chí
quốc tế ngay sau khi được chụp. Cùng lúc ấy, phóng viên đài ABC của Úc, Neil
Davis, cũng quay được một đoạn phim.
Theo lời kể của Neil Davis trong cuốn hồi
ký ‘In the Frontline’ thì: “…Tướng Loan cầm khăn lau
mặt, vẫy tay kêu các tùy tùng tránh ra, đi đến bên Bảy Lốp, không nói một lời,
Loan quăng điếu thuốc và móc khẩu súng lục ra. Ông ta lấy tư thế của một xạ
thủ, cánh tay phải giơ thẳng và, ở khoảng cách có lẽ 1 mét, bắn vào thái dương
của người tù binh này”.
Bức ảnh của Eddie Adams đã tạo ra một làn sóng
phẫn nộ khắp thế giới, vượt xa sự tưởng tượng của người chụp. Dư luận xôn xao,
nhiều người đã bị sốc khi nhìn vào bức ảnh. Điều quan trọng hơn cả, bức ảnh đã
thực sự đẩy mạnh phong trào phản chiến đang âm ỉ tại Mỹ. Viện Gallup vào giữa
tháng 3/1968 cho biết trước Tết Mậu Thân có 1/5 số người được hỏi đã nhận mình
là ‘diều hâu’ (ủng hộ chiến tranh), nhưng sau khi thấy bức
hình tướng Loan bắn Bảy Lốp thì họ tự đổi thành ‘bồ câu’ (chống
chiến tranh).
Eddie Adams trên chiến trường VN năm 1966
Saigon Execution đã trở thành một trong những bức hình
được nhớ tới nhiều nhất trong Chiến tranh Việt Nam và cũng giúp
cho Adams giành được giải thưởng World Press Photo of the
Year và giải báo chí Pulitzer năm 1969 về thể loại hình ảnh. Năm 2007,
bức ảnh còn được tạp chí Mental Floss bầu chọn là một trong 13
tấm ảnh đã làm thay đổi bộ mặt thế giới.
Trong bài The Saigon Execution viết
về một cuộc phỏng vấn với Hal Buell, khi đó là sếp của Eddie tại New York,
Buell kể lại: “Adams theo dõi hai người lính Việt Nam Cộng
hoà kéo một người tù ra khỏi một cái cổng ở cuối phố. Những người lính vừa kéo
vừa đẩy một người có vẻ là Việt Cộng mặc áo sơ mi kẻ, tay bị trói sau lưng. Họ
dẫn người đàn ông về phía Adams và Võ Sửu”.
Võ Sửu là phóng viên quay phim làm việc cho
đài truyền hình NBC. Tuy Võ Sửu cũng quay được cảnh tướng Loan bắn Bảy Lốp,
nhưng thật là bất công, cả thế giới chỉ biết đến bức hình của Eddie Adams. Võ
Sửu kể lại: “Sau khi bắn, Tướng Loan nói với các ký giả: ‘Những tên này
đã giết vô số dân chúng của tôi và tôi nghĩ Đức Phật sẽ tha thứ cho tôi’.
Về phần mình, Eddie Adams nói, “Tôi
dõi máy theo ba người đó, chụp một kiểu ảnh. Khi họ đến gần - cách khoảng 5
foot (1,5m) - những người lính dừng lại và lui về phía sau.
Tôi thấy một người đàn ông từ bên trái bước vào trong vùng ngắm máy ảnh của
tôi. Ông ta rút một khẩu súng lục ra khỏi bao và nâng lên. Tôi không hề nghĩ là
ông ta sẽ bắn. Người ta thường chĩa súng vào đầu người tù khi hỏi cung. Do đó
tôi chuẩn bị chụp ảnh về sự đe dọa, cuộc thẩm vấn. Nhưng nó đã không xảy ra.
Người đàn ông chỉ rút một khẩu súng lục ra, chĩa vào đầu người Việt Cộng và bắn
vào thái dương anh ta. Đúng lúc đó tôi chụp bức ảnh…”.
Bức ảnh sau khi hành quyết
Sau khi bức ảnh được cả thế giới biết đến,
Eddie Adams sống trong tâm trạng bất ổn. Ông thuật lại:“Tôi mặc bộ đồ dạ hội
sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại Đại hội Nhiếp
ảnh ở Hòa Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc. Không phải
tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn
chưa ý thức được việc mình đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời
ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết tù
binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn thường làm như
vậy, nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp được mà thôi.”
Năm 1983, Adams trở lại Việt Nam và được thấy
tấm hình ‘oan nghiệt’ của ông được trưng bày ở một chỗ rất trang trọng
trong Bảo tàng Chiến tranh tại Saigon (trước đó có tên
là Bảo tàng Tội ác Mỹ-Ngụy). Tuy nhiên, hiện nay không hiểu vì lý
do gì, bức hình Saigon Execution đã không còn được trưng bày,
chỉ được bày bán trong gian hàng lưu niệm tại đây mà thôi.
Vào thập niên 1990s, Adams không
muốn trưng bày bức hình oan nghiệt này nữa. Ông giải thích:“Nếu sự việc tái
diễn, có lẽ tôi cũng lại chụp tấm hình như vậy, vì đó là nghề nghiệp! Nhưng tôi
không còn muốn nói gì về bức hình ấy nữa. Tôi không trưng bày nó nữa. Tôi không
xử dụng nó bất cứ tại nơi đâu.”
Ông còn nói: “Tướng Loan là một vị anh
hùng của chính nghĩa. Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận. Ông ấy chiến đấu
cho cuộc chiến của chúng ta [người Mỹ], không phải cuộc chiến của
họ. Vậy mà mọi điều nhục nhã lại đổ trên đầu con người này”.
Eddie Adams (chụp năm 1992)
Về sau, Eddie Adams đã có một bài viết trên
tạp chí Time về Nguyễn Ngọc Loan và bức ảnh Saigon
Execution:
“Viên tướng giết một Việt Cộng, còn tôi giết viên
tướng bằng máy ảnh của mình. Hình ảnh vẫn là thứ vũ khí mạnh nhất thế giới.
Người ta tin vào hình ảnh, nhưng hình ảnh cũng có thể nói dối, cho dù không cố
ý ngụy tạo. Hình ảnh chỉ là một nửa sự thật... Điều mà bức ảnh đã không nói lên
là 'Liệu bạn sẽ làm gì nếu bạn là ông tướng vào lúc đó, tại nơi đó, trong cái
ngày nóng bỏng ấy, và tóm được một kẻ bị xem là khốn kiếp sau khi hắn vừa mới
bắn tan xác một, hai, hoặc ba người lính Mỹ? Làm sao bạn biết được nếu chính là
bạn, bạn sẽ không bóp cò?” (2).
Sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, như để
chuộc lại lỗi lầm từ bức hình Saigon Execution, Eddie Adams đã chụp
được những tấm hình nổi tiếng về cuộc vượt thoát đầy gian nguy của thuyền nhân
Việt Nam vào năm 1977. Loạt ảnh có tên‘Con thuyền không nụ cười’ (The
Boat of No Smiles) trong đó nổi bật là cảnh bà mẹ ôm đứa con trai đã chết cứng
và một đứa khác đang mệt lả sau lưng bà. Gương mặt của người phụ nữ diễn tả sự
đau đớn tột cùng, và ánh mắt của bà nói lên tâm trạng của thuyền nhân: mệt mỏi,
đau thương, kinh hoàng và tuyệt vọng.
Loạt ảnh ‘Con thuyền không nụ cười’
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi sang Quốc Hội
những tấm hình này, nhờ đó gần 200.000 thuyền nhân Việt Nam được chấp thuận
định cư ở Hoa Kỳ. Eddie Adams giải thích: “Tôi thà được biết đến qua
những bức hình tôi chụp 48 người Việt Nam tỵ nạn trên chiếc thuyền dài 30
foot [15m], rồi bị hải quân Thái đuổi ra biển. Nhờ những tấm hình
này, tôi đã làm được những điều tốt mà không gây đau khổ, oan nghiệt cho ai
cả”.
Phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams với lương tâm
và trách nhiệm, ông đã can đảm nhận lỗi và chuộc lỗi. Đã nhiều lần ông nói lên
lòng mong mỏi là được mọi người biết đến tên tuổi của ông qua bộ sưu tập ‘Con
thuyền không nụ cười’ gồm những bức hình giúp người, chứ không phải
bằng ‘Hành quyết tại Sài Gòn’, một bức hình đã hại người.
Eddie Adams qua đời năm 2004 tại New York do
các biến chứng của bệnh Lou Gehrig. Tháng 9/2009, bà quả phụ Alyssa Adams đã
tặng toàn bộ di sản của ông cho Đại học Texas (UT) tại Austin để
thành lập một thư khố dùng làm tài liệu giảng dạy cho ngành nhiếp ảnh.
Tướng Loan bị thương trên cầu Phan Thanh Giản
Chỉ bốn tháng sau sự kiện Saigon
Execution, ngày 5/5/1968 bộ đội Bắc Việt lại mở cuộc tổng công kích lần thứ
hai. Lần này, Tướng Loan cùng với lực lượng Cảnh Sát tiếp tục chiến đấu ngoài
đường phố Sài Gòn. Ông bị trọng thương ở cả hai chân trên cầu Phan Thanh Giản,
tức đường Điện Biên Phủ ngày nay. Một ký giả người Úc nhìn thấy và đã khẩn cấp
dìu ông vào chỗ an toàn. Định mệnh thật kỳ lạ: Một ký giả Mỹ đã hủy diệt danh
dự Tướng Loan thì bốn tháng sau, một ký giả Úc đã cứu sống ông.
Tướng Loan bị thương trên cầu Phan Thanh Giản
Sau đó, Tướng Loan được chở sang Úc chữa trị,
nhưng vì bị công luận Úc phản đối, nên ông lại được chuyển sang bệnh viện
Walter Reed Army Medical Center ở Washington, DC., Hoa Kỳ. Nhưng thật đau đớn
cho Tướng Loan, các dân biểu ‘phản chiến’ tại Quốc hội Hoa Kỳ vào lúc đó cũng
phản đối. Trở về Sàigòn với đôi chân tật nguyền khập khiễng, Tướng Loan được
giải ngũ và dành thì giờ vào các công tác thiện nguyện giúp trẻ mồ côi.
Người ta còn nhớ, ngày 3/6/1968, 6 sĩ quan ưu
tú của quân lực VNCH (mà phân nửa là CSQG) đã bị trực thăng Mỹ ‘bắn lầm’ tại
một cao ốc ở Chợ Lớn. Có người đặt giả thuyết, nếu Tướng Loan không bị thương
thì có lẽ ông cũng đã bị chết với bộ tham mưu hành quân này.
Sau năm 1975, Tướng Loan và gia đình đến lập
nghiệp ở thành phố Springfield, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông mở
một tiệm bán bánh pizza mang tên Pháp là ‘Les Trois Continents’ (Ba
Đại Lục). Đã có lần, Eddie Adams đến tiệm pizza này thăm Tướng Loan. Khi nhắc
đến tấm hình oan nghiệt năm xưa, Tướng Loan không hề nói một lời oán trách tác
giả tấm hình. Ông còn an ủi Adams: “Ông làm nhiệm vụ của ông, tôi làm
nhiệm vụ của tôi. Chỉ có thế thôi!” Chính vì câu nói
này, Adams càng thêm mến phục Tướng Loan và họ đã trở thành đôi bạn
tri kỷ.
Năm 1991, tướng Loan phải đóng cửa tiệm pizza,
vì một số dân địa phương đã nhận diện được ông. Có kẻ đã vào nhà vệ sinh của
tiệm và viết lên tường một câu khiếm nhã: “We know who you are” (Chúng
tao biết mày là ai).
Tướng Loan và vợ tại cửa hàng pizza
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã qua đời lúc 20
giờ ngày 14/07/1998 vì bệnh ung thư tại Burke, Virginia, thuộc vùng
ngoại ô của Washington, D.C, thọ 68 tuổi. Ông để lại vợ, bà Mai Chính, 5
người con và 9 cháu nội ngoại. Sau khi tướng Loan chết, nhà báo Eddie Adams đã
gửi lời viếng và bày tỏ sự ân hận vì những tác động của bức ảnh lên cuộc sống
của ông sau này: “Người này là một anh hùng. Nước Mỹ đáng lẽ phải tiếc
thương ông ta. Tôi rất tiếc là đã để cho ông ta ra đi như thế này, trong khi
người ta không hề biết một chút gì về ông ta cả” (3).
Tướng Loan còn có biệt danh là ‘Sáu
Lèo’. Tại Hà Nội, Báo An ninh Thế giới giải thích, “Chữ
‘Sáu’ là nói theo kiểu vẫn quen gọi các viên sĩ quan Pháp. Quan một có một vạch
trên vai, tương đương cấp Thiếu úy; quan hai có hai vạch, tương đương cấp Trung
úy... Quan năm có 5 vạch tương đương cấp Đại tá. Còn Nguyễn Ngọc Loan tuy mới
chỉ là Đại tá nhưng được gọi ở mức trên cả quan năm cho hợp với tính ‘ông kễnh’
của y (!).
“Còn chữ ‘Lèo’ (vốn là từ thêm vào có nghĩa
không hay ho gì trong tiếng Việt) thì theo một số nguồn tư liệu, xuất phát từ
cách hành xử lắm khi vớ vẩn, thô bạo và võ biền của Nguyễn Ngọc Loan: y là một
viên sĩ quan ăn mặc luộm thuộm, ứng đối bạt mạng và ăn ở rất lôi thôi... Một
thuộc cấp gần gụi với Nguyễn Ngọc Loan trong quân đội Sài Gòn về sau đã nhớ lại
rằng, Nguyễn Ngọc Loan dù đeo quân hàm cao ngất ngưởng như thế nhưng không bao
giờ mang quân phục, luôn vận một cái quần trây-di xộc xệch và chân đi dép cao
su lẹp xà lẹp xẹp, trông chẳng có dáng vẻ sĩ quan gì cả.” (4)
Tướng ‘Sáu Lèo’ Nguyễn Ngọc Loan
Tướng Loan nhập ngũ Khóa 1 Trường Võ khoa Thủ
Đức, sau khi tốt nghiệp năm 1952, ông phục vụ trong Lực lượng Xung kích
Pháp-Việt. Năm 1953, ông thụ huấn khóa phi công tại Trường Không quân
Salon-de-Provence tại Pháp. Khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra đời, ông trở
thành một trong những người phi công lái khu trục cơ đầu tiên của Không lực
Việt Nam Cộng hòa.
Đầu thập niên 1960, ông là Chỉ huy trưởng Phi
đoàn 2 Quân sát đóng tại Nha Trang. Đến năm 1964, ông được thăng Đại tá, giữ
chức Tư lệnh phó Không quân Việt Nam Cộng hòa, dưới quyền Tư lệnh Nguyễn Cao
Kỳ. Trong chiến dịch ‘Mũi Tên Lửa’ (Flaming Dart), ngày
11/2/1965, Nguyễn Ngọc Loan đã dẫn đầu phi đoàn Bắc phạt A1 Skyraider vượt vĩ
tuyến 17 tấn công miền Bắc. Sau chiến dịch này ông được thăng Chuẩn tướng và
điều về làm chỉ huy lực lượng cảnh sát. Khi nắm chức vụ Tổng Giám
đốc Cảnh sát Quốc gia, chỗ người ta thường nói ‘ho ra bạc, khạc ra
tiền’, tướng Loan không bị báo chí thời đó xếp vào ‘Băng tham nhũng
Đệ Nhị Cộng hòa’.
Tiến sĩ Trần An Bài phân tích: “Trong suốt
cuộc đời, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã chịu bao nhiêu oan khiên, nghiệt ngã:
Phật Giáo ghét ông vì vụ Bàn Thờ Phật xuống đường. Công Giáo ghét ông vì ông
bắt tên cán bộ Cộng Sản nằm vùng Phạm Ngọc Thảo, tự nhận là “con nuôi ông Diệm”
ẩn núp tại một giáo xứ ở Hố Nai. Sinh viên tranh đấu ghét ông vì ông dẹp biểu
tình của họ. Tổ chức phản chiến trên thế giới ghét ông vì ông bắt kẻ sát nhân
phải đền tội ngay tức khắc tại phạm trường”.
Tôi có một trang web trên Flickr.com, lưu trữ
trên 3.600 bức hình đã thu hút trên 82.000 người xem. Trong số những bức hình
đã post, chỉ có 4 bức về tướng Loan nhưng lại chiếm số lượng người xem cao
nhất, có tấm trên 10.000 người. Điều này chứng tỏ dân cư mạng trên khắp thế
giới rất quan tâm đến trường hợp của tướng Loan, bất kể sự đánh giá vị tướng
này có công hay có tội.
===
Chú thích:
(2): “The general killed the Viet
Cong; I killed the general with my camera. Still photographs are the most
powerful weapon in the world. People believe them, but photographs do lie, even
without manipulation. They are only half-truths... What the photograph didn't
say was, 'What would you do if you were the general at that time and place on
that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away one, two
or three American soldiers? How do you know you wouldn't have pulled the
trigger yourself?".
(3): “The guy was a
hero. America should be crying. I just hate to see him go this way,
without people knowing anything about him”.
(4): Đọc nguyên văn bài viết trên Báo
An ninh Thế giới tại: