Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 / Thủy Quân Lục Chiến
Read more: http://vietlyhuong.net/2013/03/chu-e-nguoi-linh-vnch-tieu-oan-truong.html#ixzz2pyNkYWjc
Ðất nước Việt đang thời binh biến, Tổ quốc lâm nguy, vang dậy núi sông những lời hiệu triệu anh hào. Khi tôi chưa chào đời thì vào giữa năm 1954, theo đoàn người trai quyết xếp bút nghiên để lên đường theo tiếng gọi non sông, làm tròn trách nhiệm người công dân trong thời quê hương khói lửa. Người thanh niên tên Lê Hằng Minh đã từ giã người mẹ hiền, rời bỏ cuộc sống gia đình ấm êm nơi Hàng Keo - Gia Ðịnh, từ giã mái trường Huỳnh Khương Ninh & Trương Vĩnh Ký sau khi tốt nghiệp Tú Tài để cùng người anh Lê Minh Ðảo (thiếu tướng Lê Minh Ðảo gia nhập khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, là một trong số những tướng lãnh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa), lên đường nhập ngũ. Ông theo học khóa 5 Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức (Khóa Vì Dân) và sau khi ra trường vào đầu năm 1955 với cấp bậc Thiếu Úy Trừ Bị, người chiến sĩ Lê Hằng Minh đã cùng bao chiến hữu khác ngược xuôi khắp nẻo đường đất nước, xông pha vào những trận tuyến ngăn giữ bước quân thù xâm lăng, hầu mong mang yên vui cho mảnh đất miền Nam Tự Do thân yêu. Ðầu năm 1957, vì muốn vẫy vùng ngang dọc hơn cho thỏa chí tang bồng, ông rời khỏi Sư đoàn 4/ Bộ binh dã chiến (sau này là Sư đoàn 7/ BB) để tình nguyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, Lực lượng Tổng Trừ Bị nòng cốt của Quân đội VNCH và lần lượt đảm trách các chức vụ: Trưởng Ban 5 TQLC, Trung đội trưởng (Tiểu đoàn 1), Ðại đội trưởng (Tiểu đoàn yểm trợ), (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4), Chiến đoàn phó (Chiến đoàn A) và Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 2/ TQLC).
Tham dự nhiều chiến dịch quan trọng cùng những trận đánh hào hùng trên khắp các mặt trận chiến trường đất nước từ: Ðồng Xoài, U Minh, Bời Lời, Ðầm Dơi, Bến Cát, Ðức Cơ, Plei-me, Bình Ðịnh, Bồng Sơn - Tam Quan, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Huế, Phù Lưu, Quảng Trị v.v... Với những thành tích chiến đấu dũng cảm, Lê Hằng Minh được thăng cấp Trung úy sau hai năm ra trường và được gởi đi du học khóa Sĩ quan TQLC ở Quantico - Hoa Kỳ năm 1959 - 1960. Ðầu năm 1959, Lê Hằng Minh đưa Ðại đội Trinh Sát TQLC/ Tân Lập về Sài Gòn tham dự khóa học Nhảy dù ở Trung tâm Huấn luyện Hoàng Hoa Thám tại Bà Quẹo. Trong thời gian huấn luyện này, ông chứng tỏ sự gan dạ và là một cấp chỉ huy gương mẫu, xứng đáng làm gương và hướng dẫn quân nhân thuộc quyền noi theo không nề hiểm nguy. Yêu thích đường bay trên những nấc thang mây thênh thang của người lính Nhảy Dù, Lê Hằng Minh luôn hãnh diện khi chỉ cho mọi người xem huy hiệu "Cánh Dù" luôn gắn trên túi áo ngực mà ông đã đạt được sau khóa huấn luyện. Trong biến cố 11/11/60, ông cùng Ðại Ðội Chiến Ðấu/ TQLC về giải vây cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Sau đó, năm 1960 ông giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ tiếp vận/ Thủy Quân Lục Chiến. Và rồi nổi trôi theo vận hạn quốc gia cùng tình hình đất nước rối ren, thêm một lần nữa, vị Tiểu đoàn trưởng Lê Hằng Minh của TÐ4/TQLC lại là một trong những đơn vị tham gia cuộc đảo chánh Tổng thống vào ngày 1/11/63. Những biến cố đất nước cùng những thăng trầm của cuộc đời binh nghiệp vẫn không làm mất đi tinh thần quả cảm của một người chiến sĩ với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào Tổ quốc, ông vẫn cùng với bao lớp người thanh niên chiến hữu luôn giữ vững sự cang cường chiến đấu như ánh thép gươm đao vẫn lóe sáng mỗi khi lâm trận ngoài địa đầu giới tuyến. Sau khi tu nghiệp khóa AWS ở Hoa Kỳ về (1964 - 1965), đầu tháng 11/1965, Thiếu tá Lê Hằng Minh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng TÐ2/ TQLC và tên tuổi ông đã gắn liền với danh hiệu "Trâu Ðiên", một tiểu đoàn lừng danh của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói riêng và của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung từ trận đánh An Quý vào tháng 2/1966 ở Bồng Sơn - Tam Quan. Từ tư thế bất ngờ bị phục kích khi tiến chiếm mục tiêu ấp chiến lược này, dù bị bao vây tứ phía bởi sự bố trí sẵn bên ngoài lẫn sự phòng thủ rất mạnh của VC bên trong, bị bắn phá nã đạn như mưa vào các toán quân, nhưng điều đó không làm chùn bước được của những người lính luôn luôn trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng xung phong nên ngay giữa cánh đồng trống, không nơi ẩn nấp, vị TÐT đã cùng với tất cả các chiến sĩ lúc ấy vẫn hiên ngang tràn vào và tiến lên dũng mãnh đến nỗi VC phải khiếp sợ với khí thế hăng như trâu điên của TÐ2 quyết băng mình phá tan lằn lửa đạn, dù phải đối chọi với tử sinh chạm gần trong gang tấc. Kết quả TÐ2/ TQLC toàn thắng chiếm hẳn được mục tiêu tuy phải chịu sự tổn thất vừa chết vừa bị thương mất gần một trung đội, trong số đó có Trung úy Nguyễn Ngọc Ðiệp (khóa 17/ VBÐL) v.v...
Với chiến tích "phản phục kích" vẻ vang này, Tiểu đoàn do Thiếu tá Lê Hằng Minh chỉ huy và yêu cầu sự đề đạt danh hiệu, đã được Bộ tư lệnh TQLC chấp thuận cho mang danh xưng Trâu Ðiên (Crazy Buffalo) biểu tượng sự Cảm Tử, Hi Sinh và Dũng Mãnh. Ngoài ra còn được tuyên dương công trạng trước Quân đội lần thứ tư và được mang dây biểu trưng màu xanh Quân Công Bội Tinh. Bắt đầu từ đó, các tiểu đoàn khác cũng được đặt tên để có những danh hiệu riêng như: Quái Ðiểu, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét