Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Viết về Cố Trung Tá Lê Hằng Minh - Phần 2




Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được chính thức thành lập và công bố là ngày 19 tháng 6 năm 1966. Ðể tưởng thưởng những phần tử ưu tú có công trong sứ mạng diệt Cộng tại tiền tuyến, một số cấp chỉ huy đơn vị chiến đấu được thăng cấp đặc cách tại mặt trận vào ngày lễ trọng đại này, trong đó có thiếu tá Lê Hằng Minh. Vừa được thăng cấp Trung tá vào ngày 19/6/66, Lê Hằng Minh đã cùng Tiểu đoàn 2 và một số đơn vị tác chiến khác lại lao vào mặt trận Lam Sơn 283 ở Gia Ðặng - Phù Lưu (21/6 đến 23/6), tiếp thêm những trận thắng vẻ vang với sự chiến đấu rất gan lì dũng cảm của họ. Trong một bài phóng sự, ký giả Dzoãn Bình đã viết về chuyến gặp gỡ bất ngờ với Tr/T LHM như sau: "Chúng tôi ghi vào sổ tay và tự nhủ sẽ khai thác về cái chết oai hùng của Thiếu úy Bằng, Ðại đội 3 thuộc TÐ Trâu Ðiên. Hỏi về sự anh dũng của đại úy Sứ, tung hoành đè bẹp VC bằng đoàn Cọp Bay M-113. Và lòng tự nhủ sẽ phải "vớ" được con người chỉ huy Trâu Ðiên mà khi nói về cá nhân xuất sắc, phần đông đã khuyên chúng tôi nên đi tìm hai ông Trung tá Lê Hằng Minh và Tôn Thất Soạn. Họ nói: "Hai ông này mới có 31 tuổi nhưng đánh đấm lì lợm "chì" lắm. Cả hai đều là Cọp Biển. Trận Phù Lưu - Gia Ðặng, cả hai đều đứng khơi khơi đánh xung phong như đi biểu diễn". Thế rồi, chiều 24/6/66, Huế... buồn xa vắng, mưa lất phất... như trời khóc sụt sùi. Chúng tôi đi "lô ca chân" tạt vào văn phòng triển lãm ngó anh em đang bầy biện SKZ và súng Nga vừa thu được. Thình lình, chúng tôi đụng đầu với hai ông quan Cọp Biển. Nhìn vào ngực thấy cái lon bạc trắng, chẳng rõ là cấp gì. Ngó lên nón "bê rê" thấy hai cái bông bạc: cấp Trung tá.


- Ủa! Sao hai ông Trung tá này trẻ quá. Nếu phỏng đoán bạo lắm cũng chỉ nghĩ họ tới 26 tuổi là cùng.
Dù Trung tá Minh để râu mép, nhưng nét mặt tràn đầy nhựa sống, hồn nhiên yêu đời của họ đã giúp chúng tôi mạnh dạn làm quen. Sau màn tự giới thiệu, chúng tôi cùng bước vào một quán nước bên đường trò chuyện. Trung tá Soạn giơ tay giới thiệu: "Ðây, kể về trận đánh ác liệt tại Phù Lưu, tôi xin nhường lời lại cho Tr/T Minh". Cho đến phút này, con người mang tên Minh mới bắt đầu lên tiếng. Ông cao giỏi lắm là một thước 55, nặng lối 47 ký là tối đa. Khuôn mặt nhỏ nhắn, mắt hơi ốc nhồi, miệng cười rất có duyên, nhờ điểm thêm bộ râu mép đã làm tăng thêm vẻ "bô trai" của Tr/T họ Lê. Nhìn ông có thể nhận ra ngay qua hình ảnh của người anh ruột là Thiếu tá Lê Minh Ðảo ở phòng 3 của QÐ 4. Hai anh em Minh giống nhau như khuôn đúc.

Chúng tôi hỏi: "Tại sao lại đặt tên là Trâu Ðiên?".
"Vì tụi tôi hăng và xung phong đánh Cộng như Trâu Ðiên, chỉ biết húc tới. Có thể nói chưa hề "thất" trận nào. Tiểu đoàn 2 TQLC được kể là đơn vị nổi nhất và đứng đầu sổ về công trạng".

Ngừng một lát, ông kể tiếp: "Kỳ này mệt chớ phở, mới đi đánh nhau sơ sơ gần 3 tháng chưa về Sài Gòn. Khi hành quân "cú" Lam Sơn 283, tiểu đoàn Trâu Ðiên mệt - hết muốn đi - vì vác nặng gần trọn ngày. Thế mà tới 5 giờ chiều, khi gần tới đầu làng Gia Ðặng, đơn vị tôi đã bị dồn cục vì mới vượt qua cái cầu. Anh em xúm sát gần nhau. Tôi vội lướt lên hàng đầu để ra lệnh cho họ trở về theo cự ly đã định người này cách người nọ 10 thước. Ði xúm xít bị nó "đớp" thì chết cả đám. Ấy thế rồi, tôi vừa lướt lên đầu thì... thoáng bắt gặp phía trước cách lối 10 thước, 3 cái đầu vội thụp xuống. Linh cảm rất bén nhạy, tôi ra dấu cho toán quân tiên phong nằm ngay xuống, bố trí về phía có địch vừa phát hiện. Tôi cho nổ một loạt đạn trung liên vào cái hố có 3 VC, một tên có thượng liên, hai tên có tiểu liên AK50. Thì ra chúng là tổ viễn tiêu. Nếu không kịp phát giác thì tụi tôi đã lọt vào ổ quỉ. Bắn loạt đầu, VC trả lời như pháo Tết, may mà chiến sĩ Trâu Ðiên đã nắm chiếm ưu thế và ở ngoài tuyến bố trí của địch. Suốt ngày đi "lô ca chân" mệt mỏi phờ người, thế mà gặp địch, lính lại hò hét xung phong như trâu điên và tất cả quên đói, đánh địch suốt từ năm giờ chiều cho đến chín giờ tối. Bọn chúng rút khỏi trận địa để lại hơn bảy mươi xác chết. Tiểu đoàn Trâu Ðiên lại được lệnh quay về mục tiêu Phù Lưu, cách Gia Ðặng 10 cây số. Vì tiểu đoàn 808 VC đêm trước đã từ Gia Ðặng luồn một lèo "lĩnh" về Phù Lưu. Không thể tưởng tượng được, liền ba đêm ba ngày đi liên miên. Ðánh nhau tơi bời tới 21-6-66, suốt đêm đó mắt thao láo nằm vây địch, thế mà sáng hôm 22-6 lại "tỉnh bơ" đi đuổi địch về Phù Lưu, lại xung phong đánh chiếm từng hầm, diệt từng hố, phải băng suối đánh xáp lá cà với VC suốt từ 4 giờ chiều đến 2 giờ đêm mới khóa tắt họng súng địch...".


Sau khi kể những chi tiết hấp dẫn về trận đánh, Tr/T Minh nhún vai nói tiếp: Từ nay đến 30/6, cậu chịu khó ra Huế, chúng tôi sẽ mời cậu đi theo hành quân ngay từ lúc mới mở màn, có thế mới viết kỹ và sống động hơn là đánh đấm xong từ khuya rồi mới lò dò ra viết theo kiểu "nghe đồn rằng...". Tr/T Minh hẹn sẽ khao chúng tôi một chầu khi tái ngộ tại Thanh Thế khi về tới Sài Gòn. Chúng tôi chia tay hai ông Tá và về Sài Gòn viết loạt bài phóng sự, đặc biệt viết thêm chuyện về Lê Hằng Minh trên Nhật báo Sống. Chúng tôi chân thành viết vì yêu mến người chiến sĩ Cọp Biển, đánh giặc hay như chơi đàn. Ra trận đánh nhau bằng súng đạn, xong rồi lại... thản nhiên gảy đàn vui nhộn trước ba quân. Dù đã 31 cái xuân xanh mà... Trung Tá Minh vẫn cô độc. Ông vui với đời Cọp Biển và chịu ế vợ có lẽ vì... tự linh cảm thấy ngày mai... của đời chiến sĩ, thuộc đơn vị đã lẫy lừng danh tiếng về tài xung phong diệt địch... 'Bài phóng sự chiến trường của Dzoãn Bình".


Read more: http://vietlyhuong.net/2013/03/chu-e-nguoi-linh-vnch-tieu-oan-truong.html#ixzz2pyPb7g7O

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét